Cách để đạt điểm tối đa phần hình học trong đề thi Toán THPT quốc gia

Trong bài thi Toán kỳ thi THPT quốc gia, phần hình học chiếm 3/10 điểm và nằm trọn vẹn trong ba bài thi ứng với ba phần kiến thức Hình học trải dài trong ba lớp 10, 11 và 12.

Phương pháp tọa độ trong không gian

Trong quan điểm ra đề thi hiện nay thì dạng bài này nằm trong ngưỡng 5 điểm cơ bản đầu tiên vì vậy khá dễ dàng với đa số học sinh. Mặc dù khá cơ bản nhưng để nắm chắc số điểm tuyệt đối thí sinh cần nắm được kỹ năng và kiến thức làm bài sau:

Về kiến thức: Các em cần nắm vững công thức tính toán về phần biểu thức tọa độ của vecto, công thức tính tọa độ trung điểm đoạn thẳng, trọng tâm tam giác, công thức tính độ dài đoạn thẳng,… Bên cạnh đó thì định nghĩa, tính chất và ứng dụng hay các định dạng phương trình mặt cầu, mặt phẳng và đường thẳng trong không gian cũng vô cùng quan trọng vì thế các em không nên bỏ qua.

Về kĩ năng: Học sinh vận dụng thành thạo các công thức tính toán nêu trên vào giải toán. Viết được phương trình mặt cầu, mặt phẳng, đường thẳng khi biết nó thỏa mãn một số điều kiện nào đó. Tìm một điểm biết thỏa mãn một số điều kiện cho trước, giải các bài toán liên quan đến góc và khoảng cách.

Để đạt được các yêu cầu trên, học sinh cần rà soát lại các kiến thức xem mình còn thiếu gì và cần kịp thời ghi nhớ bổ sung. Sau đó, tiến hành làm các bài tập. Vì mức độ hỏi thi ở phần này là khá cơ bản nên không nên bỏ qua những bài tập trong sách giáo khoa và sách bài tập.

Để có thể học tốt các em nên nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa và làm nhiều bài tập

Hình học không gian

Nhiều em thường ngán ngẩm với kiến thức phần hình học không gian khi cho rằng chúng quá trìu tượng và rắc rồi. Tuy nhiên đây là phần kiến thức khá quan trọng và thường xuyên xuất hieejn trong đề thi tại các kỳ thi lớn vì thế thế các em cần có chiến lược ôn tập cụ thể.

Về kiến thức: Học sinh nắm vững các quan hệ song song, quan hệ vuông góc trong không gian. Học cách xác định góc giữa hai đường thẳng, góc giữa đường thẳng và mặt phẳng, góc giữa hai mặt phẳng. Hiểu được cách xác định khoảng cách từ điểm đến đường thẳng, khoảng cách từ điểm đến mặt phẳng và khoảng cách giữa hai đường thẳng chéo nhau cũng như nắm chắc công thức tính thể tích khối chóp, thể tích khối lăng trụ và thể tích khối tròn xoay.

Về kĩ năng: Cần vẽ đúng hình là điều quan trọng nhất, trong quá trình làm bài cần phải biết vận dụng quan hệ song song, quan hệ vuông góc vào chứng minh các bài toán và làm thành thạo các bài toán tính góc và tính khoảng cách.Việc luyện làm bài tập nhiều cũng giúp các em nâng cao khả năng làm bài. Vì kiến thức để làm bài trải dài từ năm lớp 11 đến lớp 12, hơn nữa hình không gian cần đòi hỏi khả năng tư duy tưởng tượng tốt nên đây không phải là bài dễ với đa số HS. Như vậy, tùy theo khả năng của từng HS mà lựa chọn cách làm phù hợp. HS hoàn toàn có quyền làm hai ý trong bài này bằng hai phương pháp khác nhau (phương pháp hình không gian thông thường và phương pháp tọa độ).

Hình học không gian là phần kiến thức trọng tâm xuất hiện trong nhiều đề thi THPT quốc gia

Phương pháp tọa độ trong mặt phẳng

Đây là bài hình khó nhất trong 3 bài hình của đề thi, nằm ở ngưỡng phân loại cao của đề thi. Để làm được bài này, ngoài các kiến thức về phương pháp tọa độ trong mặt phẳng đòi hỏi học sinh còn phải có kiến thức vững vàng về hình học phẳng. Với quan điểm ra đề thi hiện nay là không có phần tự chọn theo các ban như những năm trước nên nội dung đề thi phải nằm trong phần chung của SGK ban cơ bản và SGK ban nâng cao. Do đó, kiến thức trong bài hình này chỉ nằm trong các kiến thức về đường thẳng, đường tròn và elip. Hiện nay trên thị trường có khá nhiều tài liệu tham khảo về mảng này đã được các tác giả có nhiều kinh nghiệm viết, học sinh có thể chọn một cuốn sách phù hợp với khả năng của mình để tự học, tự nghiên cứu để trau dồi các kĩ năng cần thiết.

Nguồn: toancap3.com